Thị trường bất động sản bị hỗn loạn khi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, đẩy chi phí đi vay tăng. Trong khi đó, định giá của một số loại bất động sản bị giảm, làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư.
Các ngôi nhà được rao bán tại Alberta, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo báo cáo của công ty dữ liệu Preqin, việc huy động vốn tư nhân trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu đã sụt giảm, do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro.
Báo cáo cho biết 61 quỹ đầu tư trên toàn cầu đã huy động được 18,2 tỷ USD trong quý 3/2023, giảm 71% so với quý trước đó. Đây cũng là quý đầu tiên ghi nhận tốc độ huy động vốn chậm nhất trong chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
Thị trường bất động sản toàn cầu đã bị hỗn loạn khi các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt tăng lãi suất, đẩy chi phí đi vay tăng.
Trong khi đó, định giá của một số loại bất động sản bị giảm, làm giảm kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư. Điều này có thể quan sát thấy rõ nhất trong mảng bất động sản văn phòng, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng xu hướng làm việc từ xa.
Ông Henry Lam, Phó Chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu chuyên sâu của Preqin, nhận định: “Các cơ hội đầu tư có thể mang lại thu nhập ròng dương và ổn định, cùng một lộ trình rút vốn đầu tư rõ ràng, đang trở nên khan hiếm. Các nhà đầu tư tham gia thị trường đang áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, cho đến khi lộ trình lãi suất trong tương lai chắc chắn hơn.”
Báo cáo của Preqin chỉ ra rằng các quỹ đầu tư tập trung vào bất động sản ở Bắc Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số vốn huy động được trên toàn cầu vào quý 3/2023, nhưng chỉ đạt 70% so với con số 81% của quý trước đó.
Trong khi đó, thị phần vốn đầu tư vào bất động sản của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng lên 24%, nhờ Nhật Bản, nước có chi phí đi vay vẫn giữ ở mức thấp, đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư. 6% thị phần vốn còn lại nằm rải rác trong các bất động sản ở châu Âu và một số nước khác ngoài các khu vực nêu trên.
Trong quý 2/2023, giá trị bằng đồng USD của các giao dịch bất động sản toàn cầu đã giảm xuống còn 31,9 tỷ USD. Doanh số bán bất động sản văn phòng giảm 20%. Giao dịch bất động sản công nghiệp và nhà ở, mặc dù vẫn duy trì vị thế là mảng kinh doanh sôi động nhất, nhưng cũng chứng kiến lượng giao dịch giảm lần lượt là 3,2% và 6,3%.
Báo cáo nhận định sự không chắc chắn về lãi suất sẽ tiếp tục đè nặng lên việc huy động vốn và giao dịch bất động sản. Nhà đầu tư sẽ cố gắng tìm kiếm các loại bất động sản hoặc thị trường hứa hẹn lợi nhuận chắc chắn hơn.
Ông Lam nói: “Trong ngắn hạn, chẳng hạn như một hoặc hai quý tới, tâm lý đầu tư vào bất động sản vẫn sẽ trầm lắng. Việc huy động vốn và thực hiện giao dịch toàn cầu cũng không có sự cải thiện”
Nguồn: Báo xây dựng